109
PGQT – Trong nhiều làng quê Việt Nam, nhất là vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, có một tập tục tưởng chừng lặng lẽ mà lại mang sức nặng của bao thế hệ niềm tin: khi có người vừa mất, người thân sẽ đặt một con dao nhỏ hoặc vật bằng sắt bên cạnh “người mới khuất” – có khi để dưới gối, có khi đặt ngay trên ngực, thậm chí có nơi lại giấu nơi kín đáo như trong áo quan. Hành động ấy, dù không ai nhắc nhiều, không ai lý giải tường tận, nhưng lại luôn được thực hiện một cách trang nghiêm, thành kính.
Vì sao người ta làm vậy? Con dao đó có cắt được điều gì trong thế giới mà lưỡi dao không chạm tới được không?
Dư âm từ cõi mộng
Người Việt tin rằng, linh hồn không rời khỏi xác ngay khi người ta tắt thở. Có một khoảng chênh vênh, một khoảng mơ hồ giữa sống và chết, giữa thức và mộng, giữa dương và âm. Trong khoảnh khắc ấy, nếu hồn còn lưu luyến, nếu lòng người chết còn vướng bận chuyện trần gian: con cái, oan ức, hoặc cái chết quá đột ngột, linh hồn có thể không chịu rời đi, thậm chí quay trở lại. Con dao – vật bằng sắt, sắc nhọn, tượng trưng cho dương khí, được đặt bên cạnh người mất để “trấn” lại vong hồn, như một lời nhắc nhẹ nhưng dứt khoát: “Âm dương đôi ngả, đường trần đã đoạn. Xin người cứ thế mà đi.”
Chống lại điều vô hình
Tín ngưỡng dân gian cho rằng khi có người mới mất, cửa âm mở ra. Vào đúng thời khắc ấy, không chỉ hồn người mất còn quanh quẩn, mà những vong linh lang thang khác cũng có thể nhân cơ hội mà “len vào”. Nếu thể xác còn chưa lạnh, vong khác có thể nhập vào, gây nên điều người xưa gọi là “quỷ nhập tràng” – một hiện tượng gây ám ảnh trong các truyền thuyết dân gian. Thế nên, đặt dao – hay đôi khi là kéo, rìu, kim băng, không chỉ để trấn vong người thân, mà còn xua đuổi tà ma, ngăn ngừa ngoại khí xâm nhập.
Một đường cắt – một lời tiễn biệt
Trong chiều sâu văn hoá Việt, con dao ấy không chỉ là vật trấn tà, mà còn là biểu tượng của sự cắt đứt. Cắt dương duyên. Cắt ràng buộc. Cắt thương tiếc. Đó là cách người sống thay mặt người chết, giúp họ bước sang một thế giới khác một cách trọn vẹn. Không vướng bận. Không quay về.
Trong triết lý Phật giáo, cõi đời vốn chỉ là giấc mộng lớn, là “Phúc Lộc Thọ Hỷ” tạm bợ, là “gió hoa tuyết trăng trôi bụi đi”. Khi đã đến lúc, thì mộng nên tan, và người nên đi. Có lẽ con dao ấy, trong thẳm sâu, là một “lưỡi gươm tâm linh” – chẻ mộng, mở lối cho linh hồn nhẹ bước.
Giữ lấy hồn quê, giữ lấy mình
Ngày nay, giữa phố thị hiện đại, tập tục đặt dao bên người mất dần bị lãng quên. Nhiều người xem đó là mê tín, là thừa thãi, là không còn hợp thời. Nhưng nếu ngẫm kỹ, thì đằng sau con dao ấy là cả một trời nhân sinh quan và vũ trụ quan, là cách người xưa lý giải sự sống, cái chết, và những điều vô hình.
Giữ lấy tập tục ấy không phải để níu kéo điều huyền hoặc, mà là để giữ lại một phần căn cước hồn Việt, nơi con người sống và chết trong lòng cộng đồng, giữa trật tự thiêng liêng của âm dương và nhân nghĩa.
Lưỡi dao kia không chỉ sắc bén trong vật lý, mà còn bén cả trong tinh thần. Nó không mang sát khí, không vấy máu trần gian. Nó là pháp khí lặng lẽ, giữ gìn sự an lành giữa hai bờ sinh tử.”. Nó là vết cắt thiêng liêng giữa người còn và người đã khuất, giữa nơi ta đang đứng và một cõi xa xăm, nơi mà không ai trong chúng ta từng trở về để kể.
Nhất Long