Đề tài: VAI TRÒ CỦA ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO TRONG GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC NGÀY NAY
Ngày nay, nhân loại đang bước vào ngưỡng cửa của sự phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ điện tử tin học, những thành tựu vượt trội đó đã và đang làm thay đổi cuộc sống con người một cách mạnh mẽ.
Toàn cầu hoá cũng đưa lối sống Phương Tây vào nước ta, lối sống đó một mặt ảnh hưởng tích cực đến việc làm thay đổi lối sống khép kín chuyểsn sang một lối sống cởi mở, năng động, tự lập, có trách nhiệm phù hợp với xu thế thời đại. Tuy nhiên, cũng chính việc tiếp thu lối sống đó một cách chủ quan, thiếu định hướng, tiếp thu cả mặt tiêu cực dẫn đến xa rời lối sống theo chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc. Điều nhức nhối nhất là chính các công nghệ thông tin hiện đại đang truyền bá khắp thế giới qua mạng xã hội như: facebook, zalo, tik tok,… nó là phương tiện để thu nhỏ thế giới lại gần nhau hơn, nhưng cũng chính là thứ vũ khí vô hình nguy hại đối với con người. Hơn bao giờ hết, con người đang phải đối đầu với những cơn bạo động, khủng hoảng về kinh tế, chính trị, môi sinh và điều đáng quan tâm hơn hết là khủng hoảng về đạo đức, luân lý xã hội. “Giữa thời đại mà văn minh vật chất đang ồ ạt xâm lấn cả hành tinh này, con người như bị cuốn hút vào một cơn lốc dữ dội của những dục vọng hầu như không bao giờ được thỏa mãn. Những giá trị đạo đức, tinh thần hầu như bị xói mòn và lãng quên. Con người đang dần dần bị tha hóa càng ngày càng xa rời bản chất thiện của mình. Điều thiện trở thành khan hiếm và những hành động thiện hầu như chỉ còn trong sách vở.” Có thể nói sự xuống cấp của đạo đức đang trở thành một vấn nạn của toàn xã hội. Lối sống đó đã và đang phần nào ảnh hưởng đến một số thành phần trong xã hội, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên đang sống tập trung tại các khu đô thị lớn. Điều đó đang làm suy thoái đạo đức xã hội và lối sống con người Việt Nam hiện nay.
Trong bối cảnh như vậy, đạo đức Phật giáo trở thành một thành tố quan trọng cùng với đạo đức truyền thống Việt Nam, góp phần điều chỉnh hành vi, đạo đức cá nhân, bình ổn xã hội. Xin nêu ra một số giá trị nổi bật của đạo đức Phật giáo trong điều kiện hiện nay sau đây:
- Đạo đức Phật giáo đề cao việc hoàn thiện đạo đức cá nhân
Đạo đức Phật giáo được thể hiện qua các cặp phạm trù phổ biến như: thiện – ác, tứ vô lượng tâm, bình đẳng, hiếu đạo,… Nền giáo dục đương đại xác định đối tượng của giáo là giáo dục con người tràn đầy nhân tính, giáo dục học đường, gia đình và tập thể, đó là ba môi trường mà con người có thể học hỏi. Phật giáo ở cấp độ cao hơn là giáo dục “thai giáo” (giáo dục con người từ trong bào thai) và cả sự giáo dục trước thai giáo (nghĩa là chuẩn bị các nghiệp lành cho đời sau, cho sự tái sinh tốt đẹp) đến học sinh ở trường học, gia đình và con người ngoài xã hội. Phật giáo chủ trương có ba tính thiện, bất thiện, vô ký. Cái thiện là cái có lợi cho mình và cho người. Cái thiện được thể hiện ở Tứ vô lượng tâm (tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả), đối trị với tam độc (tham, sân, si) hay tham lam, sân hận, si mê, tà kiến… Tứ vô lượng tâm là bốn món tâm thức rộng lớn và cao thượng, là những đặc tính giúp con người trở nên tốt đẹp và hoàn thiện.
Đạo đức Phật giáo đặt trọng tâm vào con người, con người hướng nội, đề cao những giá trị của con người. Con người ở đây là chủ thể chịu trách nhiệm về những hành vi thiện – ác của chính mình, “nhất thiết duy tâm tạo” Triết lý Phật giáo nhằm giúp con người thoát mọi khỏi khổ đau, mỗi người phải tự chính mình tu tập để đạt được sự an lạc, giải thoát và hướng đến sự giải thoát tối hậu tức là Niết bàn. Đức Phật dạy: “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác.”
Giáo lý “nhân quả”, “nghiệp báo” của Phật giáo cũng xác định rõ con người cá nhân là chủ nhân của nghiệp, đồng thời là kẻ thừa tự các nghiệp của chính mình đã tạo tác, cảnh báo hành vi phi đạo đức và khích lệ những thiện nghiệp của con người. Như vậy, đạo đức cá nhân đồng thời có ý nghĩa là cơ sở cho đạo đức xã hội xuất phát từ cá nhân mỗi người; con người tu dưỡng đạo đức cá nhân và từ đó làm thay đổi xã hội và cá nhân thừa hưởng thiện quả đó. “Mà ở đâu có đạo đức thì ở đó có hạnh phúc, ở đâu có hạnh phúc thì ở đó đạo đức. Đạo đức và hạnh phúc hoà với nhau như nước với sữa không thể tách rời”
Đối với Phật giáo, hạnh phúc cao nhất chính là Niết-bàn và hạnh phúc chỉ đến thật sự khi con người biết từ bỏ sự tham ái và chấp thủ.
2. Phật giáo đề cao đạo đức gia đình và góp phần hoàn thiện đạo đức xã hội
Mục tiêu của Phật giáo là hướng dẫn, chỉ dạy con người trở thành một con người có nhân cách kiện toàn, không đâu xa, chính là những ứng xử, những quan hệ, đối đãi bình thường nhất trong cuộc sống hàng ngày giữa cha mẹ và con cái, thầy và trò, vợ và chồng, bạn bè, bà con, láng giềng… Khi bàn về mục tiêu giáo dục Phật giáo, Hoà thượng Thích Chơn Thiện phát biểu: “một đường hướng giáo dục tốt luôn luôn nhắm đến hai mục tiêu: đó là đào tạo con người xã hội và con người chính nó. Nếu thiếu đi một trong hai mục tiêu ấy là một nền giáo dục không hoàn chỉnh”. Đạo đức Phật giáo đề cao mối quan hệ, trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình, các yếu tố ràng buộc hình thành đạo đức gia đình, làm nền tảng cho đạo đức xã hội. Trong Kinh Thiện Sanh nói lên việc xây dựng tốt đẹp sáu mối tương giao xã hội: “tương giao giữa cha mẹ và con cái; tương giao giữa vợ và chồng; tương giao giữa thầy và trò; tương giao giữa bản thân và bà con, láng giềng, bạn bè; tương giao giữa chủ và thợ (người giúp việc, làm công); và tương giao giữa tu sĩ và cư sĩ”. Trong đó, mối quan hệ giữa vợ và chồng, cha mẹ với con cái được xem là hai mối quan hệ cốt lõi được đạo đức Phật giáo chú tâm và đưa ra các nguyên tắc ứng xử. Trong quá trình du nhập vào Việt Nam, nền đạo đức Phật giáo được bản địa hóa, hòa nhập với nền đạo đức truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc, song thân phụ mẫu là điều thiêng liêng nhất đối với con cái. Đạo Hiếu được xem là giá trị đạo đức căn bản của người Việt Nam, tinh thần hiếu đạo được truyền tụng trong tín ngưỡng văn hoá dân gian, trong các tác phẩm văn học, thơ ca, hội hoạ,… nhất là tinh thần “tri ân” và “báo ân” đã giúp cho con người làm tròn trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội. Sống biết quan tâm và quý trọng nhau.
Như vậy, đạo Phật hướng con người tìm đến hạnh phúc thực tại, xây dựng xã hội bình đẳng, hòa bình, an lạc. Nhưng muốn thay đổi cuộc sống từ khổ đau đến an vui, hạnh phúc thì không gì hơn là chuyển hóa nội tâm, khai mở tâm thức, phát triển trí tuệ trực giác, hướng đến đời sống hoàn thiện.
3. Đạo đức Phật giáo góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường
Ngày nay, nhân loại đang đối mặt với những cuộc khủng hoảng về môi sinh và môi trường, hậu quả sinh thái do chính con người tác động đến thiên nhiên như: nạn chặt phá rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức, chất phóng xạ từ các lò vũ khí hạt nhân, chất thải từ các nhà máy, chất thải từ các lò mổ động vật, chất thải từ các trang trại chăn nuôi, chất thải từ phương tiện giao thông… gây ra ô nhiễm môi trường, làm biến đổi khí hậu, làm cho trái đất nóng lên và gây ra những hậu quả nghiêm trọng như: động đất, sóng thần, thiên tai bão lụt, hạn hán, dịch bệnh,…
Trong bối cảnh đó, vai trò bảo vệ môi trường đang là vấn đề cấp bách đối với thế giới. Phật giáo cũng như nhiều tôn giáo lớn khác, ra đời trong thời kỳ khoa học kỹ thuật chưa phát triển, chưa làm chủ được tự nhiên nên môi trường tự nhiên trở thành chỗ dựa tâm linh và thân thiện với con người. Trên cơ sở triết lý Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã, Nghiệp báo và Nhân quả, Phật giáo hướng đến giáo dục con người cần phải có ý thức bảo vệ môi trường. Trong Kinh Phật tự thuyết, đức Phật dạy: “Do cái này có mặt nên cái kia có mặt, dó cái này diệt nên cái kia diệt” Trên cơ sở triết lý Duyên khởi, Đức Phật muốn truyền tải đến với nhân loại một thông điệp: mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên đều có ảnh hưởng qua lại với nhau, không tách rời nhau, một sự vật hưng thịnh thì tất cả đều hưng thịnh, một sự việc suy vong thì tất cả đều suy vong. Huỷ hoại thiên nhiên và đối lập với thiên nhiên thì nhất định khiến cho nhân loại tự chuốc lấy diệt vong. Trong Kinh dịch, Khổng Tử nói: “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong” có nghĩa là kẻ nào thuận theo thiên nhiên thì sống, kẻ nào đi trái ngược lại thì chết. Với giáo lý Nhân quả, Phật giáo nhấn mạnh đến hành động tạo tác của con người, khuyên mọi người nên đoạn trừ các điều ác, làm các điều thiện lành nâng cao ý thức bảo vệ môi trường gieo trồng nhân thiện để lấy quả tốt bằng chính hành động, nhận thức của mình qua hành vi phóng sanh, bảo vệ các loài vật, trồng cây gây rừng, làm sạch bờ biển, tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp, cùng chung tay với cộng đồng để bảo vệ môi trường. Đó là nhân sinh quan mang tính nhân bản, rất có ý nghĩa giáo dục đạo đức môi trường trong cuộc sống hiện đại của chúng ta ngày nay.
4. Đạo đức Phật giáo nhấn mạnh sự thực hành
Đạo đức Phật giáo nhằm xây dựng một nếp sống lành mạnh đưa đến an lạc và hạnh phúc, ngay trong cuộc sống hiện tại và tương lai: “Có thực hiện, sống hành trì mới được hạnh phúc an lạc, thiết thực hiện tại ngay trong đời này.
Muốn đạt được hạnh phúc thực sự, ngoài việc ăn chay, làm lành, tránh ác thì cần phải thực hành giới luật. Ngũ giới (không sát sanh; không trộm cắp; không tà dâm; không nói dối; không uống rượu) không chỉ là nguyên tắc đạo đức cơ bản của Phật tử mà còn cho tất cả mọi người. “Năm giới là cấp bậc đầu tiên của con người trên con đường hướng thiện, bảo tồn nhân cách, duy trì đức hạnh xứng đáng với danh nghĩa làm người”. Nếu thực hành được năm giới này một cách hoàn chỉnh là đã xây dựng một thế giới an lành hạnh phúc, là tịnh độ tại nhân gian theo Phật giáo.
Tóm lại, Những nội dung tư tưởng giáo lý thiết thực của Phật giáo có vai trò rất quan trọng đối với giáo dục đạo đức Phật giáo trong đời sống hiện nay. Đạo Phật luôn luôn giáo dục con người sống phải quay trở về với tự thân, với tánh thiện sẵn có nơi mình, tức là đình chỉ các việc ác, làm các việc lành, luôn đem tình thương yêu đến với tất cả mọi người, mọi loài. Những giáo lý của Phật giáo, nội dung đạo đức của đạo Phật góp phần tạo nên sự ổn định và phát triển của xã hội. Trong quá trình du nhập và phát triển ở Việt Nam, Phật giáo đã và đang có nhiều đóng góp rất tích cực vì sự bình yên và phát triển của xã hội trên nhiều lĩnh vực.
Tỷ kheo Thích Tín Giải