Nghiên cứu Phật học

Gia tài Thầy để lại

20views

3446e5ce-4eeb-417c-89fa-7967a3d933f7-9347.jpeg

Hòa thượng Thích Minh Châu

Có những người dù chỉ một lần gặp gỡ nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của ta. Có những câu nói tuy giản đơn nhưng lại trở thành kim chỉ nam đối với đời sống của một con người.

Đối với tôi, Thầy là người như thế! Lời dạy ngắn gọn của Thầy trước ngày tôi lên đường du học Ấn Độ “Pháp học Thầy đã học quá nhiều, từ đây hãy chú trọng đến pháp hành” vẫn là hành trang quý giá và vẫn mãi vang vọng trong tâm thức tôi dù đã gần 40 năm trôi qua.

Yếu tố sinh động tạo nên sự ảnh hưởng của câu nói trên chính là cuộc sống của Thầy. Gần 25 năm được tu học dưới sự dạy dỗ của Thầy và được hầu Thầy làm việc, tôi chưa từng thấy một lần Thầy tỏ vẻ bực tức, nóng giận, ngay trong những lúc Thầy bị người khác phê bình, chỉ trích, thậm chí xúc phạm. Nếu có chăng, chỉ là những giây phút Thầy ngồi trầm lặng và suy tư… Đã không ít lần tự thân tôi nghe người ta mỉa mai, chê bai Thầy. Đã có rất nhiều cái nhìn không thân thiện, định kiến về cuộc sống tu hành của Thầy qua bộ y vàng theo truyền thống Nam tông mà Thầy khoác trên người (được hiểu là Tiểu thừa với ngầm ý thiếu thiện cảm). Thế nhưng Thầy luôn bình tĩnh trước khen chê và không bận tâm đến những tranh cãi hơn thua. Thầy hiện thực hóa lời dạy của Thế Tôn “Ta không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Ta” bằng chính đời sống thực của Thầy. Cuộc sống của Thầy là hiện thân của câu nói “giá trị chân chính của một con người không phải là cái người ta có, mà là cái người ta sống”.

Vào những năm của thập niên 70 – 80 của thế kỷ XX, phương tiện truyền thông tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Khoảng cách địa lý giữa thành thị và thôn quê trong cùng một tỉnh thành vẫn còn là một không gian vời vợi. Trong tâm tưởng của tôi, Sài Gòn và Đà Lạt lúc bấy giờ như là hai thế giới. Những gì tôi biết về Sài thành, những con người sống và làm việc tại đô thị tráng lệ này này đều qua người khác. Qua lời kể của nhiều du khách và Tăng Ni, Phật tử Sài thành có duyên về chùa Linh Sơn Đà Lạt, tôi biết được một số cao tăng Phật giáo đang sống và làm việc tại đây, trong đó có Thầy Thích Minh Châu. Hình ảnh của Thầy qua sự ngưỡng mộ của nhiều người đã kích thích trí tò mò của tôi. Được nghe rằng Thầy là đệ tử Đức Đệ nhất Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là tu sĩ đầu tiên của Việt Nam có học vị tiến sĩ nước ngoài sau hơn 12 năm du học tại Ấn Độ, Tích Lan. Thầy là một nhà nghiên cứu, phiên dịch, đồng thời là tu sĩ Phật giáo đầu tiên làm Viện trưởng một trường đại học tại Sài Gòn… Thỉnh thoảng, tôi cũng được nghe Thầy bổn sư của tôi, cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Từ Mãn, đề cập đến sở học và công hạnh của Thầy với tấm lòng kính quý…

bao-giac-ngo-6-7109.jpg

Bài đăng trên Báo Giác Ngộ số đặc biệt Vu lan PL.2565 (2021)

Rồi nhân duyên hội đủ, vào năm 1987, tôi chuyển về Sài Gòn để tiếp tục con đường học vấn sau một thời gian dài bị gián đoạn bởi thời cuộc. Tôi may mắn được tạm trú tại thiền viện Vạn Hạnh, nơi Thầy là viện chủ. Đây chính là cơ duyên mở ra một hướng đi mới trong cuộc đời tu hành của tôi. Lời dạy “Giáo pháp của Ta là thiết thực hiện tại, đến để mà thấy, không có thời gian, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu” trong kinh tạng Pàli không chỉ là bài pháp Thầy khai tâm cho tôi về giá trị tri thức và thực nghiệm của đạo Phật, mà lời dạy này đã được Thầy hiện thực hóa qua nếp sống hàng ngày. Ai từng sống gần Thầy mới cảm nghiệm được giá trị “một ngày sống thiền” của một bậc trí giả. Là một bậc tôn túc của Phật giáo đương thời với biết bao trách nhiệm đối với đạo và đời, thanh quy thiền môn vẫn chuyển tải đầy đủ trong sinh hoạt hàng ngày của Thầy. Thầy sống một đời sống bình dị, thanh cao và đạo vị trong một ngôi tự viện khá khiêm tốn! Ít ai biết rằng dù luôn bận rộn với công việc dịch kinh, viết sách, giảng dạy Tăng Ni, Phật tử, cáng đáng những công tác quan trọng của Giáo hội, Thầy vẫn tuân thủ thời khóa tu tập của thiền viện một cách nghiêm túc. Hai thời hành thiền sáng tối mỗi ngày, Thầy luôn tham gia để hướng dẫn, sách tấn học tăng và tự mình thực hành. Thầy thường có mặt trong các buổi ngọ trai hàng ngày và lễ quá đường trong mùa an cư kiết hạ của đại chúng. Nếp sống của Thầy ảnh hiện đức hạnh và trí tuệ của một tu sĩ Phật giáo đúng nghĩa. Nụ cười hiền hòa, thân thiện, đức độ, bao dung luôn nở trên môi của một bậc chân tu khả kính đã làm cho môi trường tu tập của thiền viện trở nên thanh tịnh và an hòa. Bóng dáng uy nghiêm, chuẩn mực của Thầy trong những buổi giảng kinh, thuyết pháp đã chuyển hóa không biết bao nhiêu người có duyên đến với Phật pháp. Hình ảnh mẫu mực, mô phạm trong vai trò của một nhà giáo dục, nghiên cứu, dịch thuật mà Thầy đã tận tụy suốt cuộc đời vì tương lai của văn hóa, giáo dục Việt Nam là sự cống hiến to lớn của Thầy cho đạo pháp và dân tộc đã khiến rất nhiều người kính phục…

Có lẽ người ta sẽ thắc mắc vì sao khi viết về Thầy, tôi lại nói về những chuyện bình thường như thế! Với tôi, chính những điều bình thường này tạo nên một nhân cách Thích Minh Châu khác thường của Phật giáo Việt Nam và là một bài học quan trọng để giới xuất gia ngày nay lắng lòng suy nghĩ. Bởi vì, trong tầm nhìn của tôi, cuộc sống của Tăng Ni ngày nay, đặc biệt là Tăng Ni trẻ quá chú trọng đến công tác hành chánh, trực ban, công nghệ thông tin, ứng phú đạo tràng, tham gia công việc của xã hội… mà xem nhẹ phần huân tu giới định tuệ, vốn là chất liệu chính để tạo nên bản thể của một người tu sĩ Phật giáo. Vả lại, gia tài trí tuệ (vốn là kết quả của việc thực hành giới định) mà Thầy để lại cho cuộc đời đã có quá nhiều người (trong và ngoài nước) dành thời gian và công sức để ghi nhận. Tuy thế, theo suy nghĩ của tôi, một số bài viết, bài nghiên cứu, dịch thuật… được sưu tập lại trong thời gian qua chỉ là những đóng góp mang tính cá nhân, thể hiện tình cảm và lòng tri ân Thầy vẫn chưa lột tả được hết những công đức mà thầy đã cống hiến cho đạo pháp và dân tộc. Thử trầm tư xem Thầy đã làm gì cho Phật giáo Việt Nam trên phương diện tổ chức Giáo hội, cũng như lãnh vực nghiên cứu, văn hóa và giáo dục.

Là một trong những “kiến trúc sư” chính đóng góp cho sự thống nhất Phật giáo nước nhà vào thập niên 80 của thế kỷ XX, Thầy đã cùng các bậc cao tăng thạc đức xây dựng nên ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vốn là niềm mong mỏi và chờ đợi của nhiều thế hệ Phật tử Việt Nam. Với mục tiêu vì lợi ích, an lạc và hạnh phúc cho số đông, tổ chức Phật giáo này đã và đang khẳng định được vai trò, vị thế, tầm ảnh hưởng của nó trong đời sống văn hóa và tâm linh của đại đa số người Việt. Luôn ưu tư, trăn trở về sự độc lập văn hóa của Phật giáo Việt Nam trên cả bình diện triết lý lẫn hành động, Thầy dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu, học hỏi, sưu tập và phiên dịch toàn bộ kinh tạng Pàli sang Việt ngữ. Sự hiện diện của tạng kinh Pàli trong kho tàng trí tuệ Phật giáo Việt Nam là công sức mà Thầy gia tâm tìm cầu, tích lũy từ những ngày Thầy còn là du học tăng trên đất Ấn! Cùng Tăng Ni và giới trí thức tâm huyết về ngành giáo dục, Thầy đã thành lập một chuỗi trường tiểu học và trung học Bồ-đề tại các tỉnh, thành phố nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân thời bấy giờ, do tu sĩ Phật giáo làm hiệu trưởng, để gieo trồng chủng tử Phật pháp vào những mầm xanh của xã hội. Tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam, Thầy là thành viên sáng lập, một dụng tâm sâu xa nhằm xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam với lý tưởng sống “Bi Trí Dũng” của đạo Phật, là một cách đưa đạo vào đời trong ước mong Phật giáo hóa xã hội. Sự ra đời của Đại học Vạn Hạnh, Trường Cao cấp Phật học cơ sở I tại Hà Nội, cơ sở II tại TP.Hồ Chí Minh, và Học viện Phật giáo Việt Nam là những đóng góp có ý nghĩa nhất của Thầy trong hoài bão to lớn về giáo dục – đào tạo. Từ những chiếc nôi giáo dục này, nhiều thế hệ học trò (tu sĩ lẫn cư sĩ) xuất sắc, đầy đủ đức hạnh và trí tuệ tiếp bước sự nghiệp mà Thầy trao truyền lại. Thực tế, phần lớn chư tôn đức Tăng Ni lãnh đạo Giáo hội (từ Trung ương đến địa phương) hiện nay đã từng học Phật dưới sự giáo dưỡng của Thầy.

Có thể nói rằng Thầy là một trong những nhân cách lớn của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại. “Cuộc đời và đạo nghiệp” của Thầy là một bài học sống động giữa lời nói và việc làm, là sự thực hành mẫu mực lời Phật dạy vào trong cuộc sống hàng ngày bằng việc loại bỏ mọi sự nô lệ ngoại lai cũng như dục vọng của nội thân nhằm tự mình kiến tạo một đời sống tốt đẹp và cao thượng cho cá nhân và xã hội. Nếp sống dung hòa giữa thượng cầu Phật đạo (nghiêm trì giới định tuệ) và hạ hóa chúng sanh (dấn thân trong sự nghiệp nghiên cứu, văn hóa, giáo dục) của Thầy có thể xem là đời sống tu sĩ tiêu biểu cho Tăng Ni suy ngẫm. Những giá trị tinh thần mà Thầy đã để lại cho thế hệ Phật tử đời sau khó một lời có thể diễn tả hết được, vì vậy rất cần những đóng góp có giá trị từ các nhà nghiên cứu, các học giả lão thành trong các hội thảo khoa học nhằm khám phá gia tài quý giá mà Thầy đã để lại cho đời!

Tháng 7-2021

Leave a Response