Danh Tăng Quảng Trị

Tiểu sử Cố Hòa Thượng Thích Chánh Trực

47views

HT.jpg

Chân dung Cố Hòa thượng 

I. GIA THẾ:

Cố Hòa Thượng Thích Chánh Trực thế danh Hoàng Văn Trung, pháp danh Tâm Trung, pháp tự Chánh Trực, thuộc dòng thiền Lâm Tế đời thứ 43; đệ tử của Đại Lão Hòa Thượng Thích Hưng Dụng.

Ngài sinh ngày 7 tháng 8 năm Tân Mùi (1931), nguyên quán làng Trà Trì, xã Hải Xuân (nay Hải Hưng), huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Thân phụ là cụ ông Hoàng Thuật, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Lương. Thân sinh Ngài sinh hạ được bốn người con gồm hai trai và hai gái; Ngài là con trai thứ 2; anh trai trưởng của Ngài là Đại Đức Thích Từ Trí, cũng là đệ tử của Hòa Thượng Thích Hưng Dụng, tu học tại chùa Hội Quán Phật Học Quảng Trị, lâm bệnh và đã mất. Trong hai người em gái thì bà Hoàng Thị Hậu ở tại quê nhà là thân mẫu của Sư Cô Thích Nữ Từ Tâm, hiện đang trụ trì tại chùa Phước Xá (NPĐ Ngô Xá Tây), xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

II. XUẤT GIA – TU HỌC:

Vốn xuất thân trong một gia đình thâm tín Tam Bảo như vậy nên tuy trong nhà chỉ còn lại Ngài là con trai, song thân Ngài vẫn thuận nguyện cho Ngài phát nguyện xuất gia học đạo, được Ngài Hưng Dụng tại chùa Hội Quán Phật Học Quảng Trị thế độ vào năm 1947.

Năm 1950, Ngài được cho thọ Sa-di giới và được gởi vào tu học tại Phật Học Đường Trung Việt Báo Quốc ở cố đô Huế.

Năm 1952, Ngài được trao truyền đại giới Cụ-túc tại Giới Đàn Nha Trang, sau đó được chuyển vào học tại Phật Học Viện Trung Phần (Phật Học Viện Hải Đức) tại Nha Trang.

HT-ThichChanhTruc_03.jpgĐại Đức Thích Chánh Trực.

III. CÔNG HẠNH – HÀNH TRẠNG:

Năm 1953, Ngài được bổ xứ Phật sự tại tỉnh Đồng Nai Thượng, (sau đổi tên là tỉnh Tuyên Đức và hiện nay là tỉnh Lâm Đồng). Tại đây, Ngài xây dựng chùa Linh Thắng, nay thuộc huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Ngài về Huế cung chú ngôi tôn tượng Đức Bổn Sư lớn bằng đồng, thỉnh lên tôn thờ tại chùa; sau đó lại về Huế cung chú một đại hồng chung lớn thỉnh lên chùa tôn trí. Âm thanh vi diệu của tiếng chuông ngân vang khiến âm dương hai cõi đều lợi lạc ở nơi vùng rừng núi còn hoang vắng. Ngài lại thành lập đơn vị Gia Đình Phật Tử đầu tiên tại chùa Linh Thắng, về sau này tổ chức Gia Đình Phật Tử phát triển trên cùng khắp huyện Di Linh.

Sau đó do nhu cầu Phật sự, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam bổ nhiệm Ngài đảm trách hoằng hóa ở miền Cao Nguyên Trung Phần, trụ trì chùa Di Linh và làm giảng sư chính thức cho Tỉnh Hội.

Năm 1960, với những năng lực đặc biệt và do nhu cầu của tình hình phát triển Phật sự, Ngài được Chư Tôn Giáo Phẩm lãnh đạo Phật Giáo điều chuyển về chùa Từ Đàm – Huế, đảm nhiệm chức vụ Phó Hội Trưởng Tỉnh Hội Phật Giáo tỉnh Thừa Thiên kiêm Giảng Sư.

Trong mùa Pháp Nạn 1963, Ngài đã thể hiện đầy đủ vai trò của một giảng sư và một Phó Hội Trưởng trong cuộc vận động cho tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo và công bằng xã hội. Trong công cuộc vận động lịch sử ấy, Ngài tham gia rất tích cực, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh; không ngại bắt bớ, tù đày. Ngài là một phụ tá tín cẩn và luôn sát cánh cùng Thầy Chánh Hội Trưởng Thích Trí Quang, linh hồn của cuộc vận động. Sau này, trong sách “Trí Quang Tự Truyện”, Hòa Thượng Thích Trí Quang có nhắc đến Ngài với đại ý rằng: Những năm tháng khắc nghiệt nhất, việc gì khó khăn mà giao cho Thầy Chánh Trực là sẽ yên tâm.

Năm 1964, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thành lập, Ngài được Giáo Hội sung cử giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Hoằng Pháp kiêm Đặc Ủy Thanh Niên của Ban Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Thừa Thiên.

Trong 8 năm đảm nhận Phật sự ở Thừa Thiên, Ngài đã truyền thọ Tam Quy Ngũ Giới cho hằng ngàn Phật Tử. Đệ tử xuất gia của Ngài đều là các bậc đầy đủ phẩm hạnh và năng lực, đảm nhiệm những trọng trách trong Giáo Hội như Quý Hòa Thượng Thích Giác Quang, Thích Giác Mãn, Thích Giác Đạo, Thích Giác Viên, Thích Giác Quả (đã viên tịch), Thượng Tọa Thích Giác Chơn (đã viên tịch), Đại Đức Thích Giác Trí v.v…

Năm 1968, Ngài được công cử vào vị trí Chánh Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Quảng Trị. Thời gian trở về quê hương, lãnh đạo Phật Giáo Quảng Trị, cùng với Chư Tôn Đức và Thiện Tín Phật Tử, Ngài đã có công xây dựng các công trình Phật Giáo lớn như: Xây dựng và mở rộng quy mô Trường Trung Tiểu Học Bồ Đề (hiện nay vẫn còn lưu lại dấu tích sau chiến tranh); xây dựng nhà Thuyền 3 tầng chùa Tỉnh Hội (đã bị cuộc chiến năm 1972 san bằng); xây dựng trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi (hiện đã biến thành cư xá của cán bộ công chức trạm giống Quảng Trị).

HT-ThichChanhTruc_04.jpgThượng Tọa Thích Chánh Trực – Hình chụp trong giai đoạn
đảm nhiệm chức vụ Chánh Đại Diện GHPGVN Tỉnh Quảng Trị.

Năm 1975, đất nước hòa bình, Ngài bước đầu trở về chốn tổ Sắc Tứ Tịnh Quang ở làng Ái Tử, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, cùng pháp hữu và những Phật Tử trung kiên dựng lại mái chùa tole đơn sơ giữa ngổn ngang đổ nát của Tổ đình do chiến tranh tàn hoại, để có chỗ phụng thờ và làm nơi nương tựa tâm linh cho đồng bào Phật Tử Quảng Trị.

Năm 1978, Ngài trùng tu tháp phần của Chư Tổ và tái kiến thiết được ngôi Tổ đình bằng công sức và những tấm lòng nhiệt thành của hàng Phật Tử đã tận dụng mọi thời gian ngoài giờ lao động hợp tác xã, đang khốn khó mưu sinh. Ngài cũng đã tạo thành thông lệ lấy ngày “Kỵ Tổ” chùa Sắc Tứ Tịnh Quang trở thành ngày sum họp của tất cả thầy trò Tăng Ni, Cư Sĩ các thế hệ trong tỉnh Quảng Trị cũng như những người Quảng Trị tha phương sinh sống ở khắp nơi. Tập tục đẹp đẽ ấy được duy trì cho đến tận nay.

Năm 1980, xuất hiện Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam và năm 1981 Giáo Hội mới (GHPGVN) ra đời; trong Đại Hội tháng 11 năm 1981, đã mời Ngài vào Hội Đồng Trị Sự GHPGVN.

Năm 1982, Ngài đảm nhận vai trò Phó Trưởng Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Bình Trị Thiên, kiêm Chánh Đại Diện Phật Giáo huyện Triệu Hải (sau 30/4/1975, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên sát nhập thành tỉnh Bình-Trị-Thiên; cũng như 2 quận Triệu Phong, Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị củ sát nhập thành huyện Triệu Hải).

Năm 1989, tỉnh Bình-Trị-Thiên lại tách địa giới hành chánh ra thành 3 tỉnh như củ: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Đại Hội Phật Giáo tỉnh Quảng Trị công cử Ngài làm Trưởng Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh.

Năm 1991, Hòa Thượng khởi công tái thiết lại chùa Phật Học Quảng Trị. Đây là ngôi chùa làm trụ sở của Tỉnh Giáo Hội Phật Giáo trước năm 1975, đã bị cuộc chiến từ 1972 đến 1975 san bằng thành một bãi đất trống hoang tàn.

Năm 1992, Ngài được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tấn phong giáo phẩm Hòa Thượng trong Đại Hội toàn quốc kỳ III.

Công trình tái thiết chùa Phật Học vừa hoàn tất, chưa tổ chức lễ lạc thành, như linh cảm được việc sắp xả báo thân, đầu năm Ất Hợi – 1995 Hòa Thượng về Tổ đình Báo Quốc lễ Tổ, đảnh lễ thù ân nơi đã trưởng dưỡng đạo tâm, trang bị tư lương cho cuộc đời hành giả của một bậc xuất trần thượng sĩ.

Ngày 4 tháng 3 năm Ất Hợi, thị giả báo vào Huế cho biết ý Hòa Thượng muốn vào Tổ đình Kim Tiên và hàng đệ tử của Hòa Thượng đã rước Ngài vào chiều hôm ấy. Qua một đêm nghỉ ngơi ở chốn tổ Kim Tiên bên cạnh Bổn Sư cùng với sự hầu hạ của các môn đồ, hôm sau vào hồi 13 giờ 15 phút ngày 5 tháng 3 năm Ất Hợi (1995), Hòa Thượng an nhiên thu thần thị tịch, trụ thế 65 năm với 43 hạ lạp. Tháp mộ của Cố Hòa thượng được tôn trí trang nghiêm tại Tổ đình Kim Tiên, Thành phố Huế.

65 năm trong một đời người chưa phải là dài, nhưng với đức từ bi rộng lớn, chí phụng đạo cao vời. Hòa thượng đã luôn gần gủi, thương yêu, dìu dắt các hàng Phật tử như tình cha con. Đặc biệt đối với GĐPT, Người luôn dành sự quan tâm, chỉ giáo, dỏi theo từng bước trưỡng thành của đàn con áo Lam. Vì đạo pháp nói chung và vì sự phát triễn của Phật giáo tỉnh nhà mà Hòa thượng đã chẵng quản lao nhọc, tận tụy hy sinh cả cuộc đời. Sự ra đi của Ngài là nỗi đau không thể nguôi ngoai, là sự mất mát không thể có gì bù đắp được đối với Tăng, Ni, Phật tử Quảng Trị.

Tưởng niệm Ân sư cao cả, chúng con chí thành đãnh lễ nguyện cầu Giác linh Hòa thượng vĩnh hằng an nhiên nơi miền Tịnh cảnh. Cúi xin Ngài từ bi chứng giám và hoan hỷ lượng thứ cho những điều vụng về, khiếm khuyết của chúng con khi mạo muội sơ lược đôi nét về cuộc đời cao cả của Ngài.

NAM MÔ GIÁC LINH ÂN SƯ HÒA THƯỢNG

(Tham khảo danh Tăng Quảng Trị & Thư viện GĐPT)

Leave a Response